Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

THÁNG 03-2013

Thủ Phạm Tình Nghi Hăm Dọa Giết Người Trên Mạng Internet Bị Cảnh Sát Tóm Cổ

Vào tháng 8 năm 2012, người ta thấy trên một số trang mạng Internet xuất hiện một lời cảnh cáo: Sẽ dùng dao giết nhiều người đến xem triển lãm truyện bằng tranh (Comic Market) của các họa sĩ tài tử được tổ chức tại Big Sight (Daiba, Tokyo). Lẽ đương nhiên Ban tổ chức triển lãm đã thông báo cho cảnh sát và tăng cường cảnh bị, nhưng cảnh sát đã không tiến hành điều tra để tìm thủ phạm đã viết lời cảnh cáo. Cuộc triển lãm vẫn tiến hành và không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, mọi chuyện coi như đã chìm vào quên lãng. Đầu tháng 10 thì Trang Nhà (Home Page) của Tổng nha Cảnh sát Nhật và một số tòa hành chánh tỉnh lại nhận thêm một lời cảnh cáo rằng: Sẽ thẳng tay giết hại bất kể trẻ con nào ai đang theo học tại trường mẫu giáo Ocha nomizu (Tokyo).

Đến đây thì cảnh sát phải ra tay, trong thời gian đang tiến hành cuộc điều tra tìm thủ phạm thì lại nhận được liên tiếp thêm 12 lời cảnh cáo khác nữa, khi thì hăm dọa sẽ giết cô tài tử A ở chỗ này, ông Giám đốc X ở chỗ kia….Trung tuần tháng 10 năm 2012, cảnh sát cho hay đã bắt được một nhóm 4 người bị tình nghi là thủ phạm của tất cả 13 email hăm dọa giết người tại 4 nơi khác nhau. Sau gần 1 tuần điều tra và khám nhà 4 người bị bắt này, cảnh sát đã phải thả tất cả vì chẳng có một bằng chứng gì cả, ngoại trừ địa chỉ gốc (IP) Internet của 4 người bị cho là “phát tán” 13 email hăm dọa đó. Cuối tháng 10/2012, Tổng nha Cảnh sát họp báo thú nhận là đã bắt lầm và cho hay 4 Trưởng ty Cảnh sát ở Fuku Oka, Osaka, Mie và Kanagawa đã đến tận nhà 4 người bị bắt lầm để tạ tội. Khi được thả, 3 người bị bắt lầm đó đều nói với các ký giả rằng tôi không biết ất giáp gì cả, tự nhiên cảnh sát đến nhà bắt về tội bảo tôi gởi thư hăm dọa giết người qua mạng Internet, tôi đã khẳng định không có gởi bất cứ một email gì cả, có thể máy computer của tôi bị nhiễm virus của một tin tặc (hacker) nào đó rồi nó ăn cắp địa chỉ của tôi để gởi các thư hăm dọa giết người đó đi. Khai hoài, khai mãi mà cảnh sát vẫn không tin, cứ nằng nặc bảo tôi là thủ phạm.
Bắt người, điều tra kiểu đó thì quá tắc trách. Nhưng có 1 thanh niên bị bắt lầm thì thú tội ngay là thủ phạm. Thật ra anh chàng này cũng vô can, vì tưởng rằng người bạn gái hiện đang sống chung với anh có thể vì tinh nghịch mà sử dụng computer gởi đi các thơ hăm dọa giết người đó. Nhận tội để mong được án nhẹ rồi bị phạt thế cho người yêu cũng chẳng sao.
Sau khi cảnh sát thú nhận là bắt lầm người thì thủ phạm lại gởi một email lên mạng nhục mạ cảnh sát hết lời và thách rằng thủ phạm chính là ta đây, có giỏi thì bắt đi. Trong email thách thức cảnh sát, thủ phạm còn gởi kèm theo tấm hình một con mèo hoang có đeo một vòng dây màu hồng ở cổ và cho biết trong dây đeo đó có một con Chip chứa đựng nội dung email này.
Thủ phạm còn nói thêm là con mèo này đang ở Kamakura, cứ đến đó tìm đi thì rõ. Cảnh sát đã huy động một lực lượng thật đông đảo đi tìm con mèo này ở Kamakura, sau gần cả ngày trời mới tìm thấy và đúng như lời của thủ phạm viết thì bên trong vòng đeo cổ con mèo có gắn một con Chip.
Qua ngày hôm sau, cảnh sát đã biết được tông tích thủ phạm là ai và đến nhà bắt ngay. Việc truy lùng thủ phạm lần này khá đơn giản, cảnh sát chỉ cần coi lại các camera “phòng phạm” (Bohan) gắn ở những địa điểm trong vùng có con mèo đó để xem ai là người đã đeo cái vòng vào cổ con mèo hoang đó. Camera đã thu đầy đủ hình ảnh từ khi thủ phạm dựng xe gắn máy (bike), bước xuống, đeo dây vào cổ con mèo.  Nhận diện được hình người bị tình nghi là thủ phạm, lại còn có thêm cả số xe nữa thì chạy đường trời cũng khó thoát. Cảnh sát tự tin đến nỗi khi đến nhà bắt tên Katayama còn ngầm báo cho ký giả hay để đến đó chụp hình, quay phim. Khi bị bắt tên Katayama vẫn nói cảnh sát lại bắt lầm người vì hắn không phải là thủ phạm. Lục nhà tên Katayama này, cảnh sát tìm thấy được tất cả các lá thư hăm dọa giết người, thư thách thức cảnh sát nằm nguyên con trong máy computer của tên này. Ngoài ra trong điện thoại di động của tên Katayama còn có hình con mèo mà y đã chụp khi đeo xong vòng đeo cổ.
Katayama (30 tuổi), đang làm việc cho một hãng computer, tên này có mối thù với cảnh sát vì năm 2005 bị bắt ở tù cũng vì tội hăm dọa giết người trên mạng Internet. Chắc chắn y hận cảnh sát lắm nên mới tìm cách hạ nhục chứ chưa phải là hung thủ giết người. Theo các nhà luật học thì với tội này bị phạt tù khoảng 3 năm, nhưng tên Takayama đã bị bắt một lần rồi về tội này nên có thể bị kêu án nặng hơn.
Về phần cảnh sát Nhật thì cũng có nhiều tắc trách, nhưng được khen là can đảm, dám chính thức nhận lỗi và tạ tội khi bắt lầm người.

Nhật Bản cứng rắn cảnh cáo những khiêu khích từ Trung Quốc Chiều ngày 5 tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tự vệ Nhật là ông Onodera đã trình lên Thủ tướng Abe bản báo cáo kèm theo nhiều bằng chứng về chuyện tàu chiến Trung quốc chiếu radar định vị chiến đấu vào tàu tuần duyên (ngày 30/1) và trực thăng phòng thủ của Nhật (ngày 19/1) ở khu vực quần đảo Senkaku, rồi yêu cầu Thủ tướng Abe công bố ngay chuyện này cho người dân và thế giới được biết hầu tố cáo hành động khiêu chiến của Trung quốc.
Radar định vị chiến đấu có tên chuyên môn là Fire Control Radar, khi chiếu radar này vào tàu đối phương là để cảnh cáo cho biết sẽ bị bắn chìm bất cứ lúc nào vì khoảng cách, phương hướng, tốc độ đã hiện rõ trên màn hình radar một cách chính xác. Nói cách khác, súng đã lên đạn, chĩa vào đầu rồi, chỉ cần bóp cò là xong chuyện.
Tối ngày hôm đó, Thủ tướng Nhật, ông Abe, ngoài việc lên báo đài tố cáo hành động khiêu khích của Trung quốc còn quyết liệt yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động khiêu khích, nguy hiểm, chỉ làm cho tình hình bang giao căng thẳng mà thôi. Thủ tướng Abe còn chỉ thị cho bộ Ngoại giao gọi đại sứ Bắc Kinh ở Tokyo đến kháng nghị.
Một ngày sau, trong một cuộc họp báo tại bộ Ngoại giao Trung quốc, phát ngôn viên bộ này là bà Hoa Xuân Doanh khi được ký giả nước ngoài hỏi về chuyện này thì được trả lời rằng chúng tôi cũng chỉ biết sự việc này qua truyền thông Nhật loan tải chứ không nhận được bất kỳ một báo cáo nào cả từ Cục Hải dương Trung quốc, chính quyền chúng tôi đang cho điều tra xem hư thực thế nào, nhưng gần đây chính quyền và truyền thông Nhật thường hay ngụy tạo bằng chứng, thổi phồng mọi chuyện để bôi nhọ Trung quốc. Hành động cố tình tạo căng thẳng của Tokyo chỉ có hại cho sự bang giao giữa hai nước mà thôi. Bà Hoa còn nói thêm là quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku là lãnh hải và lãnh thổ bất khả xâm của Trung quốc nên vấn đề không nằm ở chỗ tàu Trung Quốc chiếu radar chiến đấu vào mục tiêu mà là các tàu và máy bay Nhật đã thường xuyên xâm nhập vào quần đảo này.
 Trước thái độ ngang ngược của Trung quốc, Thủ tướng Abe của Nhật đã một lần nữa lại phải lên đài truyền hình tố cáo Trung quốc vi phạm luật pháp Quốc tế, yêu cầu Bắc Kinh phải chính thức tạ tội về chuyện này chứ không thì Nhật sẽ trưng dẫn các bằng chứng cụ thể thu được ở hiện trường, lúc đó sẽ còn bị mất thể diện hơn với thế giới.
Theo các bình luận gia về thời cuộc thế giới thì tình trạng căng thẳng giữa Nhật và Trung quốc nếu kéo dài sẽ không có lợi cho cả hai về mọi mặt, nhất là lãnh vực kinh tế, bởi vậy nên vào cuối tháng giêng vừa qua, Thủ tướng Abe đã gởi đặc sứ sang Bắc Kinh hầu mong nối lại hội đàm với Trung quốc và đã được Ông Tập Cận Bình đón tiếp rất niềm nở và ông Tập cũng đồng ý là lãnh đạo của hai nước nên sớm gặp nhau để nói chuyện. Tưởng là tình hình căng thẳng sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng bỗng nhiên sự kiện này xảy ra làm đảo lộn mọi chuyện. Nếu tàu chiến Trung quốc chiếu radar chiến đấu vào tàu và máy bay Nhật là do lệnh từ Bộ tư lệnh Hải quân Trung quốc thì rõ ràng là cánh quân đội đã qua mặt ông Tập Cận Bình, còn như lệnh chiếu là do Trung Nam Hải đưa ra thì nước cờ ông Bình đi quá dở, trước sau gì rồi cũng bị lòi ra. Sự kiện này sẽ giúp cho Tokyo có lý cớ vững chắc hơn trong việc tăng ngân sách quốc phòng mà không sợ người dân Nhật phản đối và thế giới chỉ trích.
Thưa qúy độc giả, khỏi cần nhìn những bằng chứng cụ thể mà phía Nhật Bản trưng ra chỉ nghe người phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc trình bày cũng đủ thấy sự hàm hồ cố hữu.  Những âm mưu xâm lược đảo Senkaku họ đã và đang áp dụng ở biển Đông cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng khác ở chỗ là khi áp dụng ở quần đảo Senkaku thì bị Tokyo phản đối quyết liệt, trong khi Hà Nội thì chỉ phản đối chiếu lệ nên Nhật Bản vẫn giữ được biển đảo của mình, còn Việt Nam thì mất gần hết biển đảo của mình về tay xâm lược Trung quốc.


Nhật Viện Trợ Cho Philippiness Một Số Tàu Tuần Tra Tối Tân

Trong cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Phi- Nhật- vào ngày 10 tháng 1 vừa qua tại Manila, phía Philippines đã yêu cầu Nhật Bản viện trợ 10 tàu tuần duyên loại mới để có thể canh phòng việc Trung quốc xâm phạm lãnh hải. Ngoại trưởng Nhật, ông Kishida đã chấp nhận lời yêu cầu này. Thông thường thì từ khi hứa đến khi trao phải mất cả năm trời, nhưng phía Philippines đã tích cực vận động chính giới Nhật nên chuyện viện trợ 10 tàu tuần duyên đã được tiến hành nhanh chóng. Theo tờ Kinh tế Nikkei số phát hành vào ngày 11/02/2013 thì vào đầu tháng 4 tới, Nhật sẽ lần lượt giao cho Philippines 10 tàu tuần duyên như vừa nói trên, mỗi chiếc trị giá hơn 1 tỷ yen (11 triệu mỹ kim). Ngoài ra Nhật Bản còn lên kế hoạch huấn luyện cho hải quân Philippines cách sử dụng tàu vì coi đây như là một nỗ lực thúc đẩy việc hợp tác bảo vệ an ninh ở biển Đông. Tờ Nikkei còn cho hay rằng chính quyền ông Abe đã trích 2,5 tỷ yen trong ngân sách 2013 để cho các khoản chi tiêu này.
Loại tàu tuần duyên tối tân nhất mà Nhật sẽ viện trợ cho Phi
Mặc dù đang nghỉ ăn Tết, nhưng khi nghe tin này thì bộ Ngoại giao Trung quốc đã lên tiếng cáo buộc Tokyo là kẻ muốn gây bất ổn ở biển Đông, yêu cầu phải ngưng ngay việc cung cấp tàu cho Philippines, nếu không thì Nhật sẽ gánh chịu mọi hậu quả về chuyện này.
Thật ra Việt Nam còn cần cần các tàu tuần duyên  tối tân này hơn cả Philippines và nếu yêu cầu thì chắc chắn Nhật sẽ viện trợ, nhưng Hà Nội đâu có thực sự chống Trung quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam đâu mà yêu cầu Nhật Viện trợ.

Bạo hành” trong giới nhu đạo!

Từ khoảng cuối tháng 1 kéo dài đến cả tuần, truyền thông Nhật Bản đã liên tiếp đưa lên những tin tức có nội dung về hành động đánh đập “đệ tử” của huấn luyện viên Sonoda Ryuji (39 tuổi) trong khi tập dượt để tranh các giải lớn của bộ môn nhu đạo. Sự việc này đã nổ lớn khi 15 nữ vận động viên Judo hạng A (hạng tập để tranh các giải thế giới, olympic) cuối năm ngoái đã gửi đơn tố cáo lên Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC). Nội dung của đơn thư trình bày rõ việc họ đã bị Sonoda đối xử rất tàn tệ, họ không chỉ bị gây áp lực bằng cách hăm dọa là sẽ không chọn để được tranh các giải lớn, chửi bới, bạt tai, dùng những chiếc gươm bằng gỗ và tre dày để đánh các học trò….
Cuối cùng, trong cuộc họp báo ngày 31/1 Sonoda Ryujia đã quyết định từ chức sau khi thừa nhận đã đánh đập các “đệ tử” trong quá trình chuẩn bị cho Olympic London mùa Hè năm ngoái
Huấn luyện viên Sonoda Ryoji
Sonoda nói: “Tôi thực sự hối tiếc vì đã gây nên sự việc bởi những hành động, ngôn từ, cử chỉ của mình. Thật khó để tôi tiếp tục công việc huấn luyện, Tuy nhiên, tôi không nghĩ đó là hành động bạo hành, Tôi đã quá mạnh tay khi hành sử như vậy vì muốn học trò tôi được tiến nhanh hơn nữa, vì đối với giới Judo khi ra sàn tranh giải thì chỉ có nghĩ đến chuyện phải lấy huy chương vàng”.
Ủy Ban tổ chức Olympic Nhật Bản (JOC) cho biết chỉ áp dụng hình phạt khiển trách với Sonoda nhưng Bộ trưởng Thể thao, ông Hakubun Shimomura, đã yêu cầu JOC phải tiến hành một cuộc điều tra trên một qui mô lớn hơn, không chỉ là judo mà là tất cả các môn thể thao tranh tài khác. Tuy nhiên, hầu hết đều nhận được câu trả lời: bộ môn chúng tôi chưa “phát hiện” được sự bạo hành nào cả..
Liên đoàn Judo thế giới (IJF) cũng phản ứng rất mạnh mẽ, khẳng định rằng hành vi bạo lực và bạo hành không có chỗ trong môn judo và chủ tịch Judo Nhật Bản đã phải thân hành đến văn phòng trung ương của IJF đặt tại Thụy Sĩ để giải thích và xin lỗi. Ngoài ra, Chủ tịch JOC Takeda Tsunekazu tuyên bố sẽ làm tất cả để những chuyện như trên không bao giờ xảy ra nữa. Tuy nhiên, nhiều dư luận vẫn không đồng tình và cho rằng. “Sự việc chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Những chuyện thế này vẫn sẽ tiếp tục nếu không có những giải quyết từ gốc”.
Sự việc “bạo hành” này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chiến dịch vận động đăng cai Olympic 2020 của Tokyo. Sắp tới, Ủy Ban Olympic quốc tế sẽ sang Nhật thị sát về các điều kiện tổ chức và tháng 9 tới đây sẽ thông báo thành phố thắng cuộc. Hiện nay nhờ “sự cố” này phần thuận lợi nghiêng về hai đối thủ của Nhật Bản là Madrid (Tây Ban Nha) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Đô Trưởng Chỉ Trích  Sở Khí Tượng Nhật Dự Đoán Trật Lất Trời Tuyết Ở TokyoMỗi năm ở Tokyo trời rơi tuyết chỉ một vài lần, nhiều năm chỉ rơi lất phất cho gọi là có rơi nên chuyện phòng chống tuyết không phải là ưu tiên hàng đầu như các xứ tuyết vì rất là tốn kém, bởi vậy nên có thể nói Tokyo là nơi yếu nhất về chuyện phòng chống tuyết, ngày mùa đông nào mà trời rơi hơi nhiều tuyết một chút là giao thông bị nghẽn, nhiều tuyến đường xe điện không chạy được hoặc phải giảm lượng tàu lưu thông, xe hơi thì phải chạy ở tốc độ chậm rì vì không trang bị xích chống tuyết, nằm ụ trên đống tuyết phải nhờ người đẩy mới nhích bánh được là cảnh thường thấy trong ngày tuyết lớn ở Tokyo.
Ngày 13/01/2013, sở khí tượng Nhật dự đoán ngày mai (14/1) trời ở Tokyo có tuyết lất phất rồi sau đó đổi sang mưa, nhưng trật lất vì chẳng lất phất chút nào cả, rơi từ sáng đến chiều, tuyết đóng trên mặt đường phố Tokyo lên đến 8cm, vùng phụ cận Yokohama là 13cm.
Tuyết rơi dày dặc ở Tokyo trong ngày lễ thành nhân 14/01/2013
Ngày 6 tháng 2, sở khí tượng lại đưa ra dự đoán trời sẽ rơi tuyết lớn ở Tokyo, nhưng vào sáng sớm ngày hôm đó chỉ có chút mưa tuyết, rồi chuyển sang mưa, sau đó có nắng, còn nhiệt độ thì cao hơn mấy ngày trước.
Mấy chục năm trước, ở đâu cũng vậy, việc sở Khí tượng dự đoán thời tiết sai là chuyện bình thường, người ta chỉ cười chứ ít ai trách, nhưng ngày nay thì khác, nhất là ở các thành phố lớn của những nước tiên tiến, dự đoán sai là gây thiệt hại cho nhiều người. Hầu như những cơ sở kinh doanh lớn đều phải bỏ tiền ra mua tin tức dự đoán thời tiết hàng ngày để chuẩn bị mặt hàng bán cho khách nên việc dự báo sai chẳng những bị trách mà không chừng bị lôi ra tòa kiện đòi bồi thường thiệt hại. Ngày 8 tháng 2 vừa qua, trong cuộc họp báo định kỳ ông Inose, Đô trưởng Tokyo, đã lên tiếng chỉ trích sở khí tượng đã dự đoán thời tiết sai đến hai lần và lần nào cũng gây thiệt hại lớn cho mọi người. Ông Inose nói rõ là ngày 14 tháng 1 dự đoán tuyết rơi lất phất nên chẳng ai phòng bị, nên khi tuyết rơi lớn mọi sinh hoạt bình thường của người dân thủ đô bị đình trệ, gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Ngày 28 tháng 1 và ngày 6 tháng 2 sở khí tượng lại dự đoán Tokyo sẽ có tuyết nhiều, rút cuộc  chẳng có hạt nào rơi. Hai lần gần nhau, liên tiếp dự đoán sai là chuyện kỳ. Tối ngày 5 và sáng ngày 6 tháng 2, trời không có mây, thời tiết ấm vậy mà vẫn dự báo tuyết sẽ rơi lớn, rất nhiều người không tin, nhưng phải chuẩn bị phòng chống tuyết, tốn sức, tốn tiền rút cuộc chỉ là công cốc. Hơn cả mấy vạn người vào website của tòa hành chánh Tokyo chỉ trích, than phiền bị thiệt hại nhiều về hai lần dự đoán sai này.
Lẽ đương nhiên sở Khí tượng Nhật đã chính thức xin lỗi về sự dự đoán sai này, nhưng giải thích rằng tất cả dự đoán đều căn cứ vào các dữ kiện mà các vệ tinh khí tượng thu thập được gởi về, chứ chẳng ai dám dự đoán theo cảm tính riêng của mình. Nhiều khi dữ kiện thu thập được là như vậy, nhưng chỉ trong vài tiếng đồng hồ có một luồng khí áp tạt ngang qua làm thay đổi kết quả dự đoán, đây cũng là một vấn đề mà hiện nay khoa học khí tượng chưa vượt qua được.

Nhiều Tang Gia Ở Nagoya Rất Giận Chùa Kosho Vì Đưa Sư Tập Sự Đến Tụng Kinh Đám Tang
Khỏi cần phải nói ai cũng biết những gia đình theo đạo Phật khi gia đình có người qua đời đều mời sư đến tụng kinh cầu siêu để mong người thân yêu của mình qua đời sớm về được cõi Niết Bàn. Được sư Cụ đến tụng kinh cho thì quá tốt, nếu không thì ít ra cũng phải là người đã thành sư chứ không ai muốn chú Điệu đến tụng. Thế mà trong suốt năm qua, những người ở thành phố Nagoya mỗi khi nhà có đám tang là đến chùa Kosho thỉnh sư đến tụng kinh và chùa thường hay cử sư đang thực tập, tiếng Việt gọi là chú Điệu đến tụng.

Chùa Kosho ở quận Showa, thành phố Nagoya
Nhiều gia đình Phật giáo rành rõi về nghi thức cúng bái, thấy sư tụng kinh không sành điệu, lúng túng trong một số nghi thức, nên họ nghingười tụng kinh đó không phải là sư chính cống. Chuyện này đã đến tai một ký giả của tờ Asahi, ký giả này đi điều tra xem hư thực, việc điều tra cũng không mấy khó vì năm ngoái chùa Kosho đã đến các sở tìm việc làm Hello Work ở thành phố Nagoya đăng bản tuyển người đi tu. Việc điều tra còn cho biết thêm rằng hai ba năm trước chùa cũng đã tuyển được ba người đi tu, muốn thành sư phải tu 3 năm, nhưng đến gần hết 2 năm là được cho đi tụng kinh đám tang. Khi đặt vấn đề này  với chùa thì được trả lời rằng chuyện này bình thường thôi, chẳng có vấn đề gì cả. Đúng là chuyện này không có gì phạm pháp nên cảnh sát bỏ ngoài tai, nhưng tín đồ phật tử thì không, coi đó là một hành động không thành thực của nhà chùa, mời sư thật, trả tiền đúng giá mà gởi sư thực tập đến là điều không chấp nhận được nên từ đó rất ít gia đình tới chùa Kosho mời sư đến tụng kinh đám tang, đám giỗ. Buôn bán mà bị mất chữ tín là đã khó làm ăn, chuyện Phật sư, tâm linh mà chơi kiểu đó bị tín đồ chê trách là cũng phải.
Nhân đây chúng tôi xin kể một câu chuyện có thật cách đây hơn 30 năm. Chúng tôi có một người bạn học cũng là người Việt Nam, anh bạn đó có quen thân với một vị sư đang trụ trì một ngôi chùa ở Tokyo, vị sư này rất vui vẻ, dễ tính đối với mọi người, nhất là người ngoại quốc giỏi tiếng Nhật. Anh bạn tôi là người Phật giáo thuần thành, nhà ở gần chùa nên mỗi khi rảnh rỗi cũng thường hay đến chùa nghe tụng kinh.  Lúc đầu chỉ ngồi nghe thôi, nhưng dần dà thỉnh kinh Nhật về nhà đọc và thuộc rất nhiều kinh và sau này khi đến chùa anh không còn ngồi nghe  nữa mà còn có thể đọc kinh làu làu theo lời tụng của vị sư Nhật. Chùa chỉ có hai sư mà việc gia đình Phật tử trong vùng mời chùa gởi Thầy đến tụng kinh đám kỵ, đám tang thì nhiều, có lúc hai ba nơi mời trùng ngày. Sư trụ trì nói với anh bạn rằng những lúc tôi và Sư phó đều bận mà có ai mời đi tụng kinh thì anh đi tụng thế nhé. Anh bạn tôi không dám vì nghĩ rằng mình không phải là thầy tu, hơn nữa chỉ thuộc chừng một chục bài kinh căn bản nên đâu dám đi tụng đám kỵ được. Sư Nhật khuyến khích: thuộc chừng đó kinh là đủ tụng rồi, không sao đâu. Thế là anh bạn tôi bắt đầu vào nghề. Đi tụng được bao nhiêu lần thì không biết, nhưng một hôm gặp tôi anh bạn đó cho biết là bị “bể mánh” rồi và kể cho nghe rằng vị sư Nhật tuy cũng đã chỉ dẫn cho một số nghi thức, cử chỉ khi đi tụng kinh nhà người ta, nhưng mình đâu phải là thầy tu nên nhiều lúc cử chỉ và hành động đâu được như thầy tu chính cống được. Chuyện tụng kinh thì không sao, người Nhật cũng vậy mà người Việt Nam cũng thế, có mấy ai hiểu được lời kinh, tiếng kệ đâu, cứ thấy thầy tụng là được rồi. Tôi bị bể mánh ở chỗ là khi tụng kinh xong, lúc ra về, gia chủ đưa phong bì trả tiền công, khi lấy phong bì thì phải nhét nó vào khuỷu tay áo tràng, nhưng hôm đó không biết sao tôi quên đi lại bỏ vào túi quần nên bị lộ vì sư chính cống chẳng ai bỏ tiền vào túi như tôi hết. Nhà chùa bị gia chủ mắng vốn nên từ đó sư Nhật không còn nhờ tôi đi tụng thế nữa.
Đây là chuyện thật, tin hay không tùy quý độc giả vì chẳng có gì để kiểm chứng, anh bạn tụng kinh bất đắc dĩ của tôi nghe nói đã sang định cư ở Hoa Kỳ và qua đời ở đó.
Nhiều Người Đòi Lại Tiền Đã Ủng Hộ Mua Quần Đảo Senkaku
Vào tháng 4 năm 2012, ông Ishihara, cựu Đô trưởng Tokyo, tuyên bố nếu chính phủ không quốc hữu hóa quần đảo Senkaku bằng cách bỏ tiền ra mua lại quần đảo này từ tư nhân để dễ dàng trong việc bảo vệ biển đảo thì Tokyo sẽ làm chuyện này. Sau lời tuyên bố đầy khiêu khích đó, rất nhiều người dân Nhật đã gởi tiền đến ủng hộ cho Tokyo để mua đảo cho dù tòa hành chánh Tokyo  không chủ trương chuyện quyên góp này. Vì sự nhiệt tình của người dân nên Tokyo không thể từ chối được và đồng ý nhận tiền quyên góp nhưng trong thời hạn 4 tháng mà thôi. Tính đến ngày khóa sổ (31/01/2013), số tiền ủng hộ mua quần đảo Senkaku đã trên 1,4 tỷ yen. 

Quần đảo Senkaku

Vì sợ người dân trách là tại sao chuyện này chính phủ Nhật không làm mà để cho chính quyền mua nên vào đầu tháng 9/2012, Thủ tướng Noda của chính quyền đảng Dân chủ trước đây đã lên tiếng cho hay đang lên kế hoạch và quyết định trích 2 tỷ 50 triệu yen trong ngân sách quốc gia để mua lại đảo Senkaku. Lẽ đương nhiên là chính quyền Tokyo phải nhường và hứa sẽ chuyển giao số tiền quyên góp được cho chính phủ để xây một cảng nhỏ ở đảo cho khoảng 20 tàu đánh cá nhỏ vào lánh nạn khi gặp bâo, xây hệ thống tiếp vận vô tuyến trên đảo để cho ngư thuyền có thể liên lạc với nhau dễ dàng hơn…Tổng chi phí của việc xây cất này ước tính vào khoảng 2 tỷ yen. Sở dĩ chi phí cao như vậy vì phải đúc chừng 8000 khối bê-tông cốt sắt (mỗi khối nặng từ 3 đến 4 tấn) để làm đê, xây xong phải chở ra đảo.
Chuyện chuyển giao tiền chưa tiến hành thì chính quyền ông Noda phải ra đi vì đảng Dân chủ thua đậm trong kỳ bầu cử Hạ viện cuối năm rồi. Đảng Tự do Dân chủ (Tự Dân) lên thay với tân Thủ tướng là ông Abe, nhưng chính phủ ông Abe đặt mục tiêu chính là phải vực lại nền kinh tế Nhật nên chuyện mua lại quần đảo Senkaku chưa được đem ra bàn thảo.
Về phần chính quyền Tokyo thì vị tân Đô trưởng là ông Inose cũng tuyên bố là dồn nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế cho địa bàn Tokyo, cải tổ hệ thống giao thông đường tàu điện ngầm ở thủ đô và đổ công sức nhiều vào chuyện vận động xin đăng cai tổ chức Olympic mùa hè 2020 nên cũng chưa thúc đẩy việc trao lại tiền ủng hộ mua đảo cho chính phủ ông Abe.
Báo chí Nhật đã gọi số tiền trên 1.400 triệu đó đang bị ướp muối. Tiền ủng hộ mua đảo đã gởi, vậy mà chưa thấy chính phủ Nhật hay chính quyền Tokyo rục rịch gì cả nên nhiều người bực mình, điện thoại hay gởi email đến tòa hành chánh Tokyo đòi tiền lại.
Liệu những người ủng hộ đòi tiền lại có được trả hay không?. Theo các luật gia thì không vì luật pháp không quy định phải trả tiền lại cho người đã gởi tiền ủng hộ, muốn kiện phải có biên lai mà hầu như những người ủng hộ đều là nặc danh, vã lại số tiền quyên góp được chưa chuyển giao để sử dụng chứ không phải ướp muối.
Ai cũng biết việc nhiều người điện thoại hay gởi email đến chỉ để biểu lộ sự bực tức chứ không phải là đòi trả tiền ủng hộ lại.
Hơn 16 Vạn Hộ Ở Vùng Kanto Bị Nhiễu Sóng TV Do Việc Di Chuyển Hệ Thống Ăng-ten Từ Tokyo Tower Đến Tokyo Sky Tree

 Từ trước đến nay ăng-ten của các đài truyền hình ở vùng Kanto đều gắn trên tháp Tokyo cao 333 mét, nay có tháp Sky Tree ở quận Sumida cao 634 mét nên tất cả các đài truyền hình đều dời ăng-ten đến đó. Việc di chuyển ăng-ten này dự trù sẽ hoàn tất vào những tháng đầu năm 2013, nhưng do nhiều lý do về kỹ thuật nên đến cuối tháng 5/2013 mới thật sự xong và từ cuối tháng 7/2013 trở đi bắt đầu hoạt động thật sự. Đầu tháng 1/2013 việc di chuyển ăng-ten đến Tokyo Sky Tree đã gần xong và bắt đầu phát sóng thử theo lịch trình được các đài TV ấn định. Việc phát sóng thử đó đã làm cho hơn 16 vạn hộ xem TV không được vì bị nhiễu sóng. Các đài truyền hình đang cố gắng điều chỉnh cần ăng-ten gắn ở Tokyo Sky  Tree để giải quyết các trường hợp bị nhiễu sóng này, bởi vậy từ đây trường hợp bị nhiễu sóng sẽ còn tiếp tục. Bởi vậy trong thời gian này nếu TV của quý độc giả nếu có bị nhiễu sóng là do nguyên nhân đó chứ không phải TV bị hư.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao phải đổi hệ thống phát sóng từ tín hiệu Analog (tín hiệu thường) sang tín hiệu Digital (tín hiệu số) làm gì cho tốn tiền và mất công ?.
Câu trả lời là phát sóng bằng tín hiệu Digital sẽ làm cho hình ảnh đẹp lên rất nhiều. Các đài TV có thể phát hình hai ba chương trình cùng một lúc. Điều thứ hai quan trọng hơn phải đổi sang tín hiệu Digital là vì tần số của tín hiệu Analog có giới hạn, cần nhường nó cho việc phát triển sóng điện thoại di động, cho việc phát sóng hướng dẫn giao thông, cho hệ thống báo động của sở cảnh sát, sở cứu hỏa hướng dẫn người dân khi có thiên tai, sự cố… xảy ra.
Thật ra ở Mỹ, Âu châu và nhiều quốc gia khác đã đổi sang hệ thống phát hình bằng tín hiệu Digital từ lâu rồi, Nhật Bản nay mới thực hiện là quá trễ đó chứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét